Mainboard, Motherboard hay bo mạch chủ là một bảng mạch điện tử với các khe cắm để có thể kết nối các linh kiện khác trong hệ thống máy tính với nhau. Đồng thời nó còn có vai trò điều phối dòng điện, xử lý tín hiệu âm thanh, … và làm nhiều thứ khác nữa. Mainboard là xương sống của toàn bộ hệ thống PC, là cầu nối giữa các linh kiện trong hệ thống với nhau và với những thiết bị ngoại vi.
GIGABYTE B360M AORUS PRO LGA1151v2
Trên thị trường hiện tại có rất nhiều sản phẩm mainboard từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, và việc phân biệt chúng sẽ là vấn đề khá lớn đối với người mới bắt đầu tìm hiểu về máy tính. Sau đây sẽ là những thông tin cơ bản mà bạn đọc cần nắm trước khi tìm hiểu sâu hơn về mainboard.
1. Chipset
Hiểu một cách đơn giản thì chipset là một hệ thống các con chip, vi mạch trên bo mạch chủ, làm việc với nhau một cách nhất quán, quyết định những tính năng cơ bản của bo mạch chủ.
ảnh minh họa.
Một hệ thống chipset sẽ do nhà sản xuất CPU phát triển rồi chuyển giao cho các bên sản xuất, các nhà sản xuất khác nhau sẽ có một số tùy chỉnh khác nhau để tạo ra một sản phẩm mainboard hoàn chỉnh dựa trên thiết kế chipset gốc của nhà sản xuất CPU.
Một chipset sẽ có danh pháp 3 phần, ví dụ như Intel có chipset “Z-370” thì trong đó “Z” là chữ cái thể hiện tính năng cơ bản của dòng mainboard đó, số “3” thể hiện thế hệ và chuẩn socket, số “70” thể hiện phân khúc của nó.
Hiện tại, đối với Intel, họ có một số những dòng chipset trên PC phổ biến như H, B, Z, X.
- H Thường là dòng main phổ thông, bị hạn chế một số tính năng để ưu tiên về mức giá.
- B Là main tầm trung và được tích hợp tương đối đầy đủ tính năng và công nghệ của các nhà sản xuất.
- Z Là dòng main cao cấp, có hiệu năng mạnh mẽ, có hỗ trợ ép xung và thường được dùng chung với những CPU cao cấp có khả năng ép xung.
- X Là dòng main đặc biệt, thường có chuẩn socket khác hẳn với những dòng còn lại trong cùng một thế hệ. Dòng X có thể xem là “Trùm cuối” trong các dòng mainboard và thường đi chung với những CPU rất mạnh.
2. Socket
Các chân socket của một mainboard
Socket là phần đế tiếp xúc với CPU của mainboard. CPU chỉ có thể kết nối với mainboard nếu chúng có cùng chuẩn socket.
Ví dụ như những con chip CPU thế hệ thứ 8 và thứ 9 của Intel sẽ dùng chuẩn socket 1151v2 và có thể kết nối với những mainboard có cùng chuẩn kết nối này. Đối với CPU của AMD thì họ cam kết là các CPU của họ sẽ sử dụng chuẩn socket AM4 cho đến hết năm 2020.
3. VRM
VRM (Voltage Regulator Module) – Tạm dịch sang tiếng Việt là “mô-đun điều chỉnh điện áp”. VRM là một hệ thống các IC, đèn mosfet, tụ điện, … làm nhiệm vụ chuyển đổi, kiểm soát và điều phối dòng điện chạy trong mainboard, cung cấp dòng điện ổn định và sạch nhất có thể cho CPU và các linh kiện khác. Dàn VRM càng “xịn” thì càng đáp ứng được dòng điện có độ ổn định cao trong nhiều điều kiện khác nhau. Thường thì những dòng mainboard càng cao cấp, đắt tiền thì sẽ có một dàn VRM càng mạnh mẽ và tinh vi.
Asus ROG RAMPAGE VI EXTREME – Sử dụng chipset X299 và được định vị trong phân khúc đỉnh của đỉnh, đây là một trong những chiếc mainboard có dàn VRM khủng nhất thế giới.
4. Các nhà sản xuất
Đối với CPU dành cho máy tính thì chỉ có 2 nhà sản xuất chính là Intel và AMD. Tuy nhiên, mainboard thì lại có rất nhiều nhà sản xuất khá nhau. Mỗi nhà sản xuất sẽ cho ra những dòng mainboard có những đặc tính, điểm mạnh khác nhau. Những nhà sản xuất có tiếng tăm hơn thường sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng hơn, hiện tại ở Việt Nam, chúng ta có 4 nhà sản xuất lớn nhất là Gigabyte, Asus, Asrock, MSI.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét