PSU hay nguồn là thiết bị chuyển đổi dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng điện 1 chiều (DC) để có thể sử dụng cho cho hệ thống máy tính. Nguồn giống như trái tim của hệ thống vậy, và một bộ nguồn tốt là một bộ nguồn có thể cung cấp dòng điện ổn định với điện áp hợp lý cho toàn bộ hệ thống.
ASUS Rog Thor – đạt chứng chỉ 80Plus Platinum, sỡ hữu bộ cáp nguồn full modular, có cả màn hình LED, đèn LED RGB, là một trong những bộ nguồn đẹp và “xịn” nhất hiện nay.
Đối với một bộ nguồn dành cho PC, chúng ta sẽ có những điểm nên lưu ý như sau:
1. Công suất nguồn
Về công suất của một bộ nguồn ta có
- Total power (công suất tổng): Tổng suất mà bộ nguồn có thể cấp cho tất cả các đầu pin.
- Continuous power (công suất ổn định): Công suất lớn nhất mà bộ nguồn có thể duy trì ổn định.
- Peak power (công suất đỉnh): ngưỡng công suất tối đa mà bộ nguồn có thể chạm tới, thường chỉ có thể duy trì trong vài mili giây mà thôi.
từ “công suất nguồn” mà chúng ta thường hay nghe thấy là để chỉ công suất tổng hoặc công suất ổn định.
Về việc một bộ nguồn có công suất bao nhiêu là đủ thì chúng ta sẽ có một mẹo nhỏ để tính như sau:
TDP CPU + TDP VGA + 200W = công suất đủ
Ví dụ chúng ta có một con chip CPU là i5-8400 (có TDP là 65W) và VGA là RTX 2060 (có TDP là 160W) ở đây ta có thể ước lượng công suất vừa đủ là: 65 + 160 + 200 = 425W. Tuy nhiên, đó chỉ là mức công suất vừa đủ “chống cháy” mà thôi, để có trải nghiệm tốt nhất thì chúng ta nên sử dụng nguồn có công suất đạt mức khuyến cáo của các nhà sản xuất linh kiện. Ví dụ như nVIDIA đề xuất một bộ nguồn có công suất ít nhất cho chiếc VGA 2060 là 500W.
2. 80Plus và các chuẩn 80Plus
80Plus là một hệ thống chứng chỉ, là quy chuẩn chung về hiệu suất chất lượng của 1 sản phẩm nguồn máy tính.
Ví dụ, 1 bộ nguồn đạt chuẩn 80Plus Standard thì theo hệ thống chứng chỉ 80Plus, bộ nguồn đó phải đạt hiệu suất 80% trên mọi mức tải, tức là nó phải chuyển đổi được ít nhất 80% năng lượng của dòng điện xoay chiều (AC) mà nó thu vào thành dòng điện 1 chiều (DC) để phục vụ cho hệ thống máy tính. Cũng có thể hiểu là công suất hao phí của bộ nguồn đó sẽ nằm dưới 20%
Một bộ nguồn đã đạt chứng chỉ 80Plus thường sẽ được kiểm định rất kĩ càng và sẽ hiếm khi gặp trục trặc trong điều kiện được sử dụng đúng cách.
Hầu hết các sản phẩm nguồn của các nhà sản xuất uy tín đều đạt chứng chỉ 80Plus. Người dùng nên chọn những sản phẩm nguồn ít phất phải đạt chuẩn 80Plus Standard trở lên để có trải nghiệm tốt nhất.
3. Các kiểu dây nguồn
Nếu đã tìm hiểu về nguồn trước đây thì có lẽ các bạn đã từng nghe tới những từ như “Modular“, “Non-Modular” và “Semi-Modular” rồi. Những từ này dùng để chỉ thiết kế cáp kết nối của nguồn
Modular: Nguồn Modular là một bộ nguồn cho phép tháo toàn bộ cáp kết nối, thiết kế cáp kiểu này rất phổ biến trên những bộ nguồn cao cấp. Cho phép người dùng có thể tháo những sợi cáp không cần thiết giúp đảm bảo tính thẩm mĩ và khả năng lưu thông khí trong case, đồng thời cũng dễ dàng sử dụng những bộ cáp nguồn custom để làm đẹp cho bộ case hơn.
Corsair RM750X 80 Plus GOLD – Một bộ nguồn Modular.
Non-Modular: Đây là kiểu thiết kế thường thấy nhất, đa số những dàn PC thời điểm hiện tại đều dùng những bộ nguồn như thế này.
Corsair CX650 80 Plus Bronze – một bộ nguồn có thiết kế cáp kiểu Non-Modular
Semi-Modular: Là kiểu thiết kế cáp có những đường cáp chính như cáp 24 pin và cáp 8 pin là không thể tháo rời, những dây còn lại thì có thể tháo được tùy theo nhu cầu sử dụng.
Corsair CX750M 80 Plus Bronze – một bộ nguồn có thiết kể kiểu Semi-Modular.
Những kiểu thiết kế này thực chất không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dòng điện của nguồn. Việc chọn mua nguồn như thế nào chủ yếu chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà thôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét